Chúng tôi, nhóm Ngàn Thông, những tâm hồn yêu chuộng thơ văn, còn vương tơ lòng với giấy trắng mực đen. Tâm hồn một nửa phiêu bạt vấn vương tình nghĩa “chốn xưa bến cũ”, nửa mảnh trĩu nặng kiếp tha phương nơi xứ lạ quê người. Vùng Tây Bắc tuyết lạnh giá băng, quê hương của thông. Thông hàng hàng, lớp lớp… Thông tràn ngập khắp nơi, từ những núi rừng hoang vu đến phố phường thành thị. Oregon mưa dầm dề ướt át, mưa giăng phủ đầy trời, qua nhiều thời gian dài trong năm vắng bóng mặt trời. Cây cối trụi lá trơ cành, khí trời nghiệt ngã lạnh lẽo cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, đâu đâu cũng thấy thông ngút ngàn qua nhiều thế hệ…thông nhỏ, thông lớn, thông cổ thụ… ngàn thông.
Thông của nắng mưa sương gió dạn dày, thông của tuyết phủ giá băng. Thông là biểu tượng của mùa đông tuyết giá…Cây thông tuyết phủ trắng xóa từ ngọn xuống khắp lá cành. Họ hàng nhà thông từ non đến già đều “chịu rét” suốt mùa đông. Tuyết rơi trắng xóa cả bầu trời, tuyết đọng trên cành lá tạo thành màn tuyết phủ đầy thông. Cây thông tuyết, thông ở khắp mọi nhà đêm Chúa Giáng Sinh. Thông biểu tượng cho niềm hy vọng, sức chịu đựng dẽo dai, sức sống mãnh liệt…bất chấp sự tuần hoàn của trời đất.
Dù phong ba bão táp, dù lạnh buốt giá băng kể cả thời gian nóng tột độ, thông vẫn ngạo nghễ trơ gan cùng tuế nguyệt, sừng sững, vươn thẳng giữa trời lộng gió cao vút, vút cao giữa không trung. Thông hàng hàng lớp lớp nối tiếp nhau như thách thức cùng khí hậu của núi rừng miền tây bắc Hoa Kỳ. Từ giữa thu qua đông, dù bão tuyết mưa sa, mưa triền miên, mưa ướt át dầm dề, nước không kịp thẩm thấu, thông vẫn ngạo nghễ vút cao… sinh tồn.
Oregon, xuân, hạ, thu, đông bốn mùa. Mỗi mùa mang một sắc thái riêng và sự thay đổi riêng biệt của nó diễn tiến theo sự tuần hoàn của trời đất : Từ khí trời mát mẻ, nắng hè oi bức đến mù sương tuyết giá. Nhưng thông lúc nào cũng sum sê cành lá xanh biên biếc. Thông vẫn tràn đầy sức sống, vẫn một màu xanh cho dù thu sang có làm vàng lá trơ cành hay mùa đông có giông tố phũ phàng mưa giăng tuyết phủ thì thông vẫn vươn thẳng lên không trung giữa trời lộng gió.
Lúc còn ở quê nhà, trong tuổi học trò, chắc chắn ai ai cũng còn nhớ nhà thơ Nguyễn Công Trứ, cuộc đời với lắm thăng trầm đầy oan nghiệt. Có khi chức trọng quyền cao, có lúc xuống tận cùng, bị cách hết chức tước phẩm hàm giáng làm lính trơn, vẫn cam tâm chịu đựng với tang thương dâu bể âm thầm qua bao năm tháng. Có lúc đầy xót xa ông mong kiếp sau được làm cây thông vươn thẳng giữa trời mặc cho thế thái nhân tình:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”
Nhóm Ngàn Thông chín người, như chín dòng sông hợp thành Cửu Long Giang, gồm ba nữ lưu, sáu bậc lão thành, quê hương trải dài từ Bắc vô Nam. Có người được sinh ra từ đất Thần Kinh, kinh đô Huế, miền sông Hương núi Ngự, với chiếc nón lá bài thơ đầy thi vị trữ tình.
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
Có người từ vùng nắng lửa, mưa dầu, vùng địa linh nhân kiệt, quê hương của những nhà ái quốc Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhắm đã say”
Xuôi về phương Nam ngoằn ngoèo theo dãy Trường Sơn dọc bờ biển khúc khuỷu quanh co đến vùng biển mặn Phan Thiết, có dòng sông Mường Mán êm đềm khua nước quanh năm, chia đôi thành phố. Nàng bên kia sông “lâu đài điện ngọc”, chàng bên này vùng phố thị, chợ búa chật hẹp, người đông đúc. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của hai trong nhóm chín người.
Cuối cùng, ở tận vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng phù sa màu mỡ, “nắng đẹp miền Nam”, có người được sinh ra và lớn lên giữa đôi bờ sông Hậu đồng lúa phì nhiêu, cò bay thẳng cánh. Cô là người trẻ tuổi nhất trong nhóm, sống và trưởng thành trong vựa lúa miền Nam, hoàn toàn không biết gì về thông, về đồi núi cao nguyên lạnh giá.
Qua bao thăng trầm trong dòng lịch sử đau thương của dân tộc, chín người, chín cuộc đời từ chín nẻo đường đất nước khác nhau cùng trôi giạt trong kiếp tha phương, cuối cùng hạnh ngộ giữa rừng thông sương khói mơ màng.
Chúng tôi không dám mơ ước được sánh vai cùng những bậc văn nhân thi sĩ hay những nhà văn, nhà thơ tài ba lỗi lạc, những trái tim sắc bén nhạy cảm với những vần thơ cao siêu, âm điệu thanh thoát nhẹ nhàng, những áng văn tuyệt tác, lời hay ý đẹp…Chúng tôi chỉ là những tâm hồn đơn sơ mộc mạc, còn nặng tình với quê cha đất tổ, qua ngòi bút để thổ lộ một phần nỗi niềm khắc khoải của người mất quê hương, muợn giấy trắng mực đen để cởi mở nỗi lòng, gởi gấm tâm tình phóng khoáng trong kiếp tha phương.
Chúng tôi hoài vọng mong góp một phần nhỏ trên văn đàn hải ngoại để duy trì chữ Quốc ngữ, bảo tồn tiếng Mẹ đẻ nơi đất khách quê người và ước vọng cuối cùng lưu lại cho con cháu một chút gì để nhớ để thương.
Song Phương
Từ Đức Tài